NHỮNG HIỂU LẦM VỀ PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI VÀ LỜI GIẢI THÍCH (PHẦN 2)

NHỮNG HIỂU LẦM VỀ PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI VÀ LỜI GIẢI THÍCH (PHẦN 2)

HIỂU LẦM:

Lớp học Montessori gồm các bé với các độ tuổi khác nhau. Lớp học lại không có thời gian biểu cụ thể cho từng hoạt động trong ngày. Vậy thì, cô dạy học cho cả lớp và quản lý lớp làm sao được, ví dụ để bé lớn không xô đẩy, va chạm bé nhỏ? Do đó, bé sẽ không học được gì và còn không an toàn.

✅️SỰ THẬT:

Khi quan sát các em bé, dù độ tuổi khác nhau, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một điểm chung, đó là các em bé luôn thích nhìn, đi theo, chơi cùng và bắt chước các anh chị lớn, hơn là chơi với bạn cùng tuổi.

Có một sự thật là, các em bé bắt chước theo các hành vi, lời nói, hoạt động của các anh chị lớn nhanh hơn là khi người lớn, như ba mẹ, hướng dẫn.

Gia đình có từ 2 bé trở lên, ba mẹ sẽ rất dễ nhận ra điều này. Đây cũng chính là lý do vì sao trong gia đình, chúng ta thường thấy bé thứ 2, thứ 3,… tỏ ra lanh lẹ hơn bé đầu tiên. Nếu em bé có anh chị lớn đã đi học, ba mẹ còn có thể thấy em bé thích cầm sách, vở, cặp, bút và quan tâm nhiều đến các bài học của anh chị như đếm số, đọc tên chữ cái,…

✅️ Tục ngữ Việt Nam có câu: “Học thầy không tày học bạn”. Trong một lớp học Montessori với các em bé ở độ tuổi khác nhau. Mỗi em bé không chỉ học từ cô giáo mà em chủ động học được từ những người bạn lớn quanh em, những người bạn đã biết thực hiện nhiều hoạt động khác hơn em.

⭐️ Như vậy, mặc dù em là em bé đầu tiên trong gia đình nhưng em vẫn sẽ có những anh chị lớn ở lớp với em hàng ngày để em quan sát và học theo. Môi trường này nuôi dưỡng sự hứng thú học hỏi kiến thức, kỹ năng mới và tạo điều kiện cho bé phát triển khả năng học hỏi thông qua quan sát, để ý.

⭐️ Ngược lại, với các bé lớn, có thể em là con một hoặc con út trong gia đình nhưng hàng ngày ở lớp, em vẫn là anh, chị. Em sẽ yêu thương các em nhỏ và học được cách giúp đỡ, nhường nhịn và nhẹ nhàng với các em bé. Như đã đề cập ở phần 1, các em học được cách chú ý quan sát và kiểm soát vận động khi di chuyển nên việc xô đẩy sẽ được kiểm soát tốt trong lớp.

Môi trường này nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm và tinh thần lãnh đạo.

⭐️ Ngoài ra, lớp học với các bạn ở các độ tuổi khác nhau cũng giống như cộng đồng, xã hội thực tế bên ngoài. Hằng ngày, chúng ta làm việc, tiếp xúc với những người bạn khác độ tuổi. Do đó, môi trường lớp học này cũng giúp trẻ phát triển những kỹ năng xã hội cần thiết.

✅️ Với các bé ở độ tuổi khác nhau, sở thích và sở trường khác nhau trong cùng 1 lớp, cô giáo Montessori cần phải theo dõi và thiết kế lịch trình hoạt động riêng cho từng bé. Thậm chí, cách hướng dẫn từng bé cũng đều khác nhau để có thể phù hợp với cá tính và phong cách tiếp nhận kiến thức của mỗi trẻ. Để làm được điều này, cô giáo phải:

✳️Hiểu rõ đặc điểm phát triển tâm lý, trí tuệ, thể chất của trẻ ở từng độ tuổi.

✳️ Hiểu rõ về triết lý, nguyên tắc, phương pháp giáo dục Montessori.

✳️Hiểu rõ từng giáo cụ: mục đích, cách thức hướng dẫn hoạt động với giáo cụ và độ tuổi phù hợp.

✳️ được trang bị phương pháp làm việc khoa học và công cụ ghi chép hỗ trợ.

✴️ Có kỹ năng quan sát khoa học để có thể thấu hiểu tâm ý, hành vi và nhu cầu phát triển của trẻ, qua đó có thể hỗ trợ đúng lúc.

✴️ Kết nối được với trẻ trên cơ sở của tình yêu thương và sự tin tưởng giữa cô giáo và trẻ.

✴️ Tổ chức 1 môi trường lớp học với những em bé có khả năng tự lập và tính tự giác kỷ luật phù hợp với độ tuổi.

Lớp học Montessori là một môi trường được chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho quá trình phát triển về tâm lý, trí tuệ, thể chất và xã hội của bé. Trong đó, giáo viên chính là cầu nối giúp kết nối trẻ với môi trường được chuẩn bị này để trẻ có thể sử dụng nó, phục vụ cho quá trình phát triển nội tại của riêng em.

Nội dung bài viết do đội ngũ chuyên môn của Moon Home biên soạn.